Tin Nhanh

(TN&MT) – Năm 2024 tiếp tục là năm ghi dấu ấn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, bắt nhịp xu thế chuyển đổi số trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường. Nhiều giải pháp trọng tâm đã được ngành TN&MT Sơn La tập trung triển khai, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.

Nâng tỷ lệ đo đạc, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai

Một trong những điểm nhấn nổi bật trong công tác quản lý đất đai trong năm 2024 đó chính là những nỗ lực của toàn ngành và các huyện, thành phố, hướng tới nâng cao tỷ lệ đo đạc địa chính chính quy, xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai.

Theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh, Sơn La hiện có 57/204 xã của 5/12 huyện, thành phố đã được đo đạc, thành lập bản đồ địa chính chính quy, gồm: Thành phố, Mường La, Mai Sơn, Sông Mã, Phù Yên. Tổng diện tích đo đạc địa chính chính quy, đáp ứng xây dựng CSDL đất đai là 91.204ha, đạt 6,5% trên tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, đã xây dựng CSDL đất đai tại 8/12 huyện, thành phố. Trong đó, 6/8 huyện thực hiện theo Dự án VILG; 3/8 huyện, thành phố thực hiện theo Dự án tổng thể. Tổng số thửa đất đã xây dựng CSDL là trên 13 triệu thửa đất đã được đưa vào vận hành phục vụ quản lý nhà nước và giải quyết TTHC về đất đai cho người dân, doanh nghiệp. Về vận hành CSDL đất đai, 11/12 huyện, thành phố đang thực hiện trên phần mềm VBDLIS, riêng Mường La vẫn sử dụng phần mềm VILIS.

a3.jpg

Sơn La đã yêu cầu các khu vực mỏ khoáng sản, khu xử lý chất thải của các nhà máy sản xuất, chế biến nông sản, chăn nuôi phải lắp đặt hệ thống camera giám sát.

Như vậy, khó khăn lớn nhất với Sơn La hiện nay là có tới 93,5% tổng diện tích tự nhiên chưa được đo đạc chính quy. Do đó, ngay từ đầu năm 2024, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sơn La đã xác định: Công tác đo đạc, xây dựng CSDL đất đai là nhiệm vụ hết sức cần thiết và cấp thiết. Sở TN&MT được giao khẩn trương tham mưu xây dựng Đề án đo đạc, hoàn thiện hồ sơ địa chính, xây dựng CSDL đất đai tỉnh Sơn La; đồng thời, yêu cầu các địa phương dừng ngay việc triển khai các dự án nhỏ lẻ, không đảm bảo đưa vào xây dựng CSDL.

Với mục tiêu đến năm 2026, đo đạc, lập bản đồ địa chính chính quy đạt tối thiểu 25% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, trong đó, trước mắt sẽ ưu tiên tập trung cho khu vực đô thị, khu vực phát triển đô thị, khu chức năng đặc thù, khu vực cần lập quy hoạch phân khu và quy hoạch nông thôn. Đến năm 2030, 204/204 xã, phường, thị trấn trên địa bàn 12 huyện, thành phố được đo đạc, thành lập bản đồ địa chính chính quy, lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng CSDL địa chính theo quy định. Qua đó, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai theo công nghệ hiện đại, đảm bảo mục tiêu đồng bộ hóa dữ liệu đất đai từ địa phương đến Trung ương, góp phần hoàn thành xây dựng CSDL số và hệ thống thông tin về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu, kết nối liên thông.

Đồng bộ trên mọi lĩnh vực

Cùng với đất đai, công tác chuyển đổi số cũng đã được triển khai trên mọi lĩnh vực tài nguyên, môi trường. Trong công tác bảo vệ môi trường, Hệ thống thông tin CSDL về môi trường và đa dạng sinh học đã được xây dựng, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định để thực hiện kết nối, liên thông, đóng góp vào sự hoàn thiện CSDL quốc gia lĩnh vực tài nguyên, môi trường.

Đến nay, phần mềm Hệ thống CSDL thông tin về môi trường và đa dạng sinh học đã được hoàn thành, cung cấp trên website https://moitruong.sotnmt.sonla.gov.vn. Nội dung phần mềm bao gồm nhóm thông tin dữ liệu về nguồn thải, chất lượng môi trường và đa dạng sinh học. Triển khai xây dựng hệ thống đã góp phần nâng cao năng lực quản lý về môi trường trên cơ sở số hóa dữ liệu và tin học hóa các nghiệp vụ quản lý hồ sơ, dữ liệu môi trường bằng phần mềm công nghệ thông tin.

a1.jpg

Sơn La hướng tới xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu, kết nối liên thông.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT đã tiếp nhận, sử dụng Phần mềm quản lý dữ liệu quan trắc môi trường tự động, liên tục (Envisoft) do Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (cơ quan đầu mối triển khai hệ thống phần mềm quản lý số liệu quan trắc tự động, liên tục của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường) để tiếp nhận, quản lý dữ liệu các trạm quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn tỉnh, tạo ra công cụ để quản lý, giám sát, kiểm duyệt dữ liệu và truyền dữ liệu từ Sở TN&MT về Bộ TN&MT; giúp quá trình khai thác số liệu quan trắc môi trường đảm bảo thống nhất, đồng bộ.

Trong lĩnh vực tài nguyên nước, hệ thống giám sát tài nguyên nước và khí tượng thủy văn được xây dựng, đưa vào hoạt động, đang giám sát 74 công trình thủy điện trên toàn tỉnh. Lĩnh vực khoáng sản, Sở TN&MT đã yêu cầu các chủ dự án khai thác khoáng sản lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan; các cơ sở chế biến nông sản lắp camera giám sát tại khu vực xử lý chất thải, truyền dữ liệu hình ảnh về Sở TN&MT, UBND các huyện, thành phố để theo dõi, giám sát. Hiện nay, Sở đang phối hợp với VNPT Sơn La triển khai thử nghiệm Hệ thống thông tin khoáng sản VNPT-iMinerals để quản lý toàn bộ các hệ thống điểm mỏ khoáng sản trên toàn tỉnh.

Hướng tới mục tiêu “số hóa”

Ông Phùng Kim Sơn – Giám đốc Sở TN&MT Sơn La cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 31/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, Sở TN&MT đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, tổ giúp việc, phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên; xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, kế hoạch chuyển đổi số lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn đến năm 2025, định hướng 2030.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của cơ quan, đơn vị. Hướng tới tổ chức số hóa dữ liệu quản lý chuyên ngành theo lộ trình, đảm bảo 100% dữ liệu của ngành được hoàn thiện trên nền tảng số hóa và vận hành bởi quy trình số. Xây dựng, thiết lập chuyên mục về chuyển đổi số trên Trang thông tin điện tử của Sở, với nhiều bài viết, thông tin liên quan đến công tác chuyển đổi số của tỉnh nói chung, ngành TN&MT nói riêng.

Với mục tiêu đến năm 2026, đo đạc, lập bản đồ địa chính chính quy đạt tối thiểu 25% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, trong đó, trước mắt sẽ ưu tiên tập trung cho khu vực đô thị, khu vực phát triển đô thị, khu chức năng đặc thù, khu vực cần lập quy hoạch phân khu và quy hoạch nông thôn. Đến năm 2030, 204/204 xã, phường, thị trấn trên địa bàn 12 huyện, thành phố được đo đạc, thành lập bản đồ địa chính chính quy, lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng CSDL địa chính theo quy định. Qua đó, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai theo công nghệ hiện đại, đảm bảo mục tiêu đồng bộ hóa dữ liệu đất đai từ địa phương đến Trung ương, góp phần hoàn thành xây dựng CSDL số và hệ thống thông tin về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu, kết nối liên thông.

Đặc biệt, dữ liệu về ngành TN&MT còn được triển khai chia sẻ trên Trung tâm Điều hành thông minh của tỉnh (IOC). Dữ liệu chia sẻ gồm dữ liệu về thống kê đất đai, bản đồ quy hoạch đất, báo cáo về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, báo cáo về các chỉ tiêu kinh tế – xã hội về môi trường, dữ liệu về khoáng sản, tài nguyên nước và khí tượng thủy văn… giúp lãnh đạo tỉnh cũng như các sở, ban, ngành có thể nắm bắt, quản lý hiệu quả hơn trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường.

Năm 2025, ngành TN&MT Sơn La sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, khả thi để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác chuyển đổi số theo kế hoạch, lộ trình Chương trình chuyển đổi số ngành TN&MT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Bộ TN&MT; kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Sơn La năm 2025 đã đề ra. Tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện CSDL chuyên ngành trên tất cả các lĩnh vực, phục vụ đắc lực công tác quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường, hướng tới hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng chính quyền điện tử.

Nguyễn Nga.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Share Article:

0915252489