Để Sơn La tập trung nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội thời gian tới, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị Sơn La cần tập trung vào các nội dung: giữ đất, giữ nguồn nước, giữ rừng, giữ môi trường và giữ vững biên cương.
Sáng 5/3, đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cùng đoàn công tác đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La về công tác quản lý nhà nước lĩnh vực tài nguyên môi trường trên địa bàn tỉnh.
Tham gia đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường có lãnh đạo các đơn vị: Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất; Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường; Cục Khoáng sản Việt Nam; Cục Quản lý Tài nguyên nước; Cục Biến đổi khí hậu; Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học; Cục Viễn thám Quốc gia; Vụ Kế hoạch -Tài chính; Viện Khoa học Khí tượng thuỷ văn và Biến đổi khí hậu; Văn phòng Bộ.
Về phía tỉnh Sơn La, có các đồng chí: Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh; đại diện các sở, ngành chức năng…
Chuyển biến tích cực trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường
Báo cáo với đoàn công tác, đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Quốc hội, Chính phủ cũng như Bộ Tài nguyên và Môi trường, các nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp đề ra đã được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Sơn La thể hiện xuyên suốt trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025.
Đại hội đã xác định 3 khâu đột phá, 9 nhiệm vụ trọng tâm, hướng tới xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững; ban hành và tổ chức triển khai thực hiện 9 đề án, 10 nghị quyết, 1 kết luận để cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.
Năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 34.506 tỷ đồng, tăng 0,75% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 4.290 tỷ đồng, bằng 101% dự toán Trung ương giao, bằng 89% dự toán HĐND tỉnh giao; các hoạt động thương mại, du lịch duy trì và phát triển, tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2023 đạt 30.800 tỷ đồng, tăng 13,6%; giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu đạt 186,8 triệu USD, tăng 6,9%.
Thành lập Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc thu ngân sách nhà nước và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, VLXD. Trong năm, đã cấp mới chủ trương đầu tư cho 24 dự án, vốn đăng ký trên 17.000 tỷ đồng; cấp điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư 9 dự án, số vốn tăng thêm 505 tỷ đồng.
Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường. Tỉnh đã tổ chức ký cam kết giữa Chủ tịch UBND các huyện, thành phố với Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường vai trò, trách nhiệm trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; hoàn thành phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của 12 huyện, thành phố.
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý tài nguyên, môi trường, ngày 22/2/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã làm việc Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về công tác phát triển ngành tài nguyên môi trường.
Theo đó, Sơn La đề ra mục tiêu tới năm 2025, hoàn thành xây dựng văn bản Hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Đất đai 2024; kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về đất đai các cấp. Đến hết năm 2025, hoàn thành đo đạc, đăng ký đất đai, xây dựng cơ sở dữ liệu đối với đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường. Tỷ lệ CTRSH đô thị được thu gom, xử lý đạt 92,5%; CTRSH nông thôn được thu gom đạt 88%. Trong năm 2024, đấu giá, cấp phép khai thác khoáng sản làm VLXDTT đảm bảo tiến độ, đáp ứng nhu cầu đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu, đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh Sơn La.
Tháo gỡ khó khăn các lĩnh vực trọng điểm
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng đã nghe Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Hậu báo cáo những khó khăn, vướng mắc tại địa phương và những đề xuất, kiến nghị, mong muốn Bộ TN&MT quan tâm, tháo gỡ.
Cụ thể, lĩnh vực đất đai, Luật Đất đai 2024 và 4 dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành đã có quy định tháo gỡ khó khăn về đất nông, lâm trường của Sơn La, tuy nhiên, với đất đã bàn giao về địa phương và phần đất các nông, lâm trường giữ lại nhưng đã cổ phần hóa thì chưa có quy định trực tiếp. Với 98.000ha đã cấp GCN là đất rừng phòng hộ cho các hộ gia đình, cá nhân sau điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, hiện nay, các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu xin chuyển mục đích sang các loại đất khác song Luật Đất đai hiện hành cũng như Luật Đất đai sửa đổi chưa có quy định cụ thể.
Với Dự án Nhà máy chế biến sâu La Phù (tại xã Bắc Phong, huyện Phù Yên), Sơn La đang gặp vướng mắc trong vấn đề giải phóng mặt bằng và việc tỉnh Sơn La xác định, đây là dự án kinh tế trọng điểm, do đó, đề nghị Bộ TN&MT tháo gỡ cho tỉnh về việc giải phóng mặt bằng…
Tỉnh cũng đề nghị Bộ TN&MT cho ý kiến tháo gỡ về quy định xây dựng giá dịch vụ đo đạc của Văn phòng đăng ký đất đai; vướng mắc liên quan đến thủ tục thu hồi đất, cho thuê đất với trường hợp chấm dứt chủ trương đầu tư.
Lĩnh vực khoáng sản, tỉnh kiến nghị Bộ TN&MT sớm nghiên cứu ban hành quy định hoặc hướng dẫn chi tiết về kỹ thuật, phương pháp, cách thức tính toán số lợi bất hợp pháp lĩnh vực khoáng sản. Xem xét khoanh định khu vực khoáng sản phân tán nhỏ lẻ với khu vực khoáng sản than Tường Phong – Tường Tiến, Nà Lương (huyện Phù Yên).
Lĩnh vực môi trường, kiến nghị ban hành Định mức thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH; thống nhất mô hình, tổ chức hoạt động, cơ chế tài chính Quỹ Bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt, ngày 2/3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 216/QĐ-TTg, phân cấp, giao Sơn La là cơ quan chủ quản Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu, đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh; đề nghị Bộ TN&MT quan tâm thẩm định Báo cáo Đánh giá tác động môi trường Dự án.
Cùng với đó, Nghị định 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đề nghị Bộ TN&MT nghiên cứu hướng dẫn địa phương xử lý những vấn đề đang vướng mắc trong quản lý tài nguyên, môi trường.
Tỉnh cũng đề nghị tháo gỡ nội dung về quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực Sông Hồng theo Quyết định 740 ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật… để giúp công tác điều hành linh hoạt hơn, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các Cục trực thuộc Bộ TN&MT đã giải đáp, thảo luận, hướng dẫn với một số ý kiến, đề xuất của Sơn La trong các lĩnh vực đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước, công tác bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ cũng nhấn mạnh những thế mạnh, lợi thế của Sơn La như tài nguyên nước, có diện tích rừng che phủ lớn, công tác bảo vệ môi trường tốt, điều kiện khí hậu thiên nhiên thuận lợi để từ đó đưa ra các mục tiêu phát triển du lịch sinh thái, xây dựng kế hoạch hoạch hành động chiến lược đa dạng sinh học gắn với bảo tồn, khai thác và sử dụng bền vững.
Là tỉnh đầu nguồn của hai lưu vực sông Mã và sông Hồng cùng với việc có 18 hệ thống sông liên tỉnh đi qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo trong công tác quản lý nguồn nước, lưu vực sông tránh ô nhiễm nguồn nước tới vùng hạ lưu; Chú trọng công tác bảo vệ rừng để tạo hành lang bảo vệ nguồn nước, chống lũ ống, lũ quét, thiên tai… Với việc là tỉnh biên cương, có diện tích rừng che phủ lớn, lãnh đạo Cục Viễn thám cho biết cũng sẵn sàng hỗ trợ Sơn La trong công tác cảnh báo cháy rừng, phát hiện những hình ảnh có an nguy đến vấn đề an ninh quốc phòng.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh ghi nhận, chúc mừng những kết quả ấn tượng mà Sơn La đã đạt được trong thời gian qua, hướng tới được sự phát triển bền vững, bài bản. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, cơ sở hạ tầng, cảnh quan, làm đến đâu, chắc, đẹp đến đấy.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, và nông nghiệp đã tạo bước đột phá cho Sơn La, hình thành những vùng sản xuất tập trung, liên kết bền vững với người dân. Phát triển nông nghiệp ấn tượng, gắn với gìn giữ cảnh quan thiên nhiên. Bộ trưởng cũng đánh giá cao những chính sách của lãnh đạo tỉnh để nhân dân Sơn La bên cạnh phát triển kinh tế vẫn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc các vùng miền, gắn với tiềm năng thiên nhiên, phát triển du lịch.
Chỉ đạo những nội dung quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường để Sơn La tập trung nguồn lực phát triển cho thời gian tới, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị Sơn La tập trung vào đó là: giữ đất, giữ nguồn nước, giữ rừng, giữ môi trường và giữ vững biên cương.
Để làm được điều đó, với những vấn đề gì mà địa phương cần, khó khăn, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ kịp thời trong lĩnh vực quản lý nhà nước mà Bộ quản lý.
Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, với các Luật Đất đai 2024, Luật Tài nguyên nước 2023, Luật Môi trường 2020 đã được ban hành, Sơn La sẽ có những nhiệm vụ cụ thể như xây dựng bảng giá đất, rà soát các nguồn gốc đất đai đang vướng mắc; phối hợp với Cục Khoáng sản Việt Nam tham mưu khoanh vùng khoáng sản nhỏ lẻ; về lĩnh vực môi trường sẽ phân cấp mạnh mẽ cho địa phương nên đề nghị tỉnh kiện toàn bộ máy cho Sở Tài nguyên và Môi trường để có đủ nguồn lực, nhân lực thực hiện các nhiệm vụ; Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh xây dựng các chính sách để bảo vệ rừng đầu nguồn, bên cạnh việc bảo vệ nguồn nước, hạn chế thiên tai thì trong thời gian tới thị trường mua bán tín chỉ carbon sẽ ngày sôi động, do đó là tỉnh có diện tích rừng lớn, Sơn La cần phải đón đầu xu hướng này để tăng cao lợi nhuận; tiếp tục quan tâm bảo vệ nguồn tài nguyên nước, giữ được nguồn nước để phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững…
Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian tới sẽ phối hợp chặt chẽ với Sơn La trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực quản lý Tài nguyên và Môi trường…
***Nhân dịp này, Đoàn công tác Bộ TN&MT đã trao tặng tỉnh Sơn La 100 giường gấp cho các em học sinh Sơn La; tặng Luật Đất đai (sửa đổi) cho lãnh đạo tỉnh Sơn La và Sở TN&MT tỉnh.
Một số hình ảnh của cuộc làm việc giữa đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường với với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La về công tác quản lý nhà nước lĩnh vực tài nguyên môi trường trên địa bàn tỉnh.