Sửa đổi Luật Đất đai 2013: Nhiều nội dung được người dân đồng tình ủng hộ
Ông Đoàn Văn Yên, cán bộ hưu trí, sống tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội cho rằng, Luật Đất đai 2013 là một trong những bộ luật quan trọng, quá trình sửa đổi nhận được sự quan tâm rất lớn của nhân dân. Sau khi nghiên cứu, ông bày tỏ sự đồng thuận với nhiều nội dung được Ban soạn thảo đề xuất sửa đổi lần này.
Theo ông Đoàn Văn Yên, Luật Đất đai năm 2013 đã có hiệu lực thi hành gần 10 năm, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai ở; khẳng định nhất quán chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, bảo đảm quyền lợi ích hợp pháp của người dân và các tổ chức trong và ngoài nước.
Lần sửa đổi này, nhiều nội dung của Luật được đề xuất sửa đổi liên quan đến các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; hay các quy định về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất…
Đối với các quy định về thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tôi đồng tình với hướng sửa đổi như tại chương VI và chương VII của Dự thảo Luật. Theo đó, dự thảo Luật đã quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và quy định rõ nội hàm dự án phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Đồng thời, quy định cụ thể hơn về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; thực hiện hiệu quả việc đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người có đất bị thu hồi.
Tôi cũng đồng tình với việc để bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững, dự thảo Luật tại chương X đã bổ sung các quy định nhằm phân định rõ trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc hoàn thành đăng ký đất đai đối với tất cả các thửa đất, tăng cường trách nhiệm của người sử dụng đất thông qua việc quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất, người được giao đất quản lý.
Ông Đoàn Văn Yên
Sau khi đọc nhiều nội dung về góp ý sửa đổi Luật Đất đai trên báo chí, tôi đồng tình với ý kiến của nhiều người liên quan đến vấn đề thu hồi đất trong dự thảo luật. Theo đó, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần 2 quy định nội dung thu hồi đất, trưng dụng đất tại Chương VI. Tuy nhiên, nội dung chỉ theo hướng liệt kê, chưa có tiêu chí cụ thể, do đó, cần định nghĩa cụ thể thế nào là thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; thu hồi đất nhằm phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Cùng với đó, về thời hạn thông báo thu hồi đất tại Điều 83 dự thảo, cần bổ sung quy định về hiệu lực của thông báo, bởi trên thực tế hiện nay nhiều dự án đã thông báo thu hồi trên dưới 10 năm nhưng không cơ quan nào tiến hành thực hiện thu hồi, khiến người dân luôn sống trong hoang mang, ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống hàng ngày.