Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Dự thảo Nghị định sửa đổi nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện cắt giảm TTHC, đẩy mạnh việc phân quyền cho các địa phương trong lĩnh vực BVMT; tạo điều kiện thuận lợi hơn khi triển khai các chính sách mới của Luật BVMT; bảo đảm đồng bộ giữa các quy định của pháp luật về BVMT.
Dự thảo Nghị định sửa đổi bám sát các quan điểm chỉ đạo sau: Cải cách TTHC cho người dân và doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 131/NQ-CP thông qua việc cắt giảm đối tượng phải thực hiện TTHC trong lĩnh vực môi trường; tiếp tục rà soát, đẩy mạnh phân cấp cho địa phương giải quyết một số TTHC về môi trường thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo tinh thần Nghị quyết số 131/NQ-CP; sửa đổi để tạo thuận lợi hơn khi triển khai các quy định, chính sách mới về BVMT; rà soát, chỉnh lý một số lỗi kỹ thuật soạn thảo văn bản. Việc sửa đổi các nội dung bảo đảm không thay đổi chính sách lớn, không mở rộng đối tượng chịu tác động của chính sách đã được ban hành và áp dụng ổn định.
Theo đó, Dự thảo Nghị định gồm 04 Điều. Dự thảo sửa đổi 47 điều/169 điều, trong đó sửa đổi 01/03 điều tại Chương I; sửa đổi 03/18 điều tại Chương II; sửa đổi 08/11 điều tại Chương III; sửa đổi 08/23 điều tại Chương IV; sửa đổi 06/21 điều tại chương V; sửa đổi 10/12 điều tại chương VI; sửa đổi 03/10 điều tại chương VII; sửa đổi 01/13 điều tại chương IX; sửa đổi 01/30 điều tại chương X; sửa đổi 03/09 điều tại chương XI; sửa đổi 02/07 điều tại chương XII; sửa đổi 01/03 điều tại chương XIII; sửa đổi 16/34 phụ lục của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Các nội dung sửa đổi bổ sung tập trung vào quy định giảm đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM), cấp giấy phép môi trường (GPMT); Đẩy mạnh phân quyền cho các địa phương trong thẩm định báo cáo ĐTM, cấp GPMT đối với một số loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; tạo thuận lợi hơn khi triển khai thực hiện….
Giảm đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Phụ lục II về Điều chỉnh tên loại hình sản xuất linh kiện, thiết bị điện, điện tử theo hướng: Chỉ áp dụng cho các dự án có một trong các công đoạn gây ô nhiễm; đồng thời quy định rõ đơn vị tính số lượng áp dụng cho sản xuất linh kiện điện tử, khối lượng áp dụng cho sản xuất thiết bị điện và nâng mức công suất so với quy định hiện hành, qua đó sẽ giảm đối tượng phải thực hiện ĐTM. Ngoài ra, chỉnh lý, làm rõ hơn tên một số loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để tạo điều kiện thuận lợi hơn khi tra cứu.
Sửa đổi, bổ sung Phụ lục IV: Bổ sung quy định cận dưới của diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên (từ 03 ha trở lên); diện tích sử dụng từ 0,2 ha trở lên đối với rừng tự nhiên, từ 0,2 ha trở lên đối với rừng phòng hộ, từ 0,5 ha trở lên đối với vùng đệm của di sản thiên nhiên thế giới, vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển, vùng đệm của khu bảo tồn, từ 0,2 ha trở lên đối với vùng đất ngập nước quan trọng; diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đất có mặt nước của rừng tự nhiên (từ 0,1 ha trở lên) và rừng phòng hộ (từ 0,1 ha trở lên). Qua đó sẽ giảm đối tượng phải thực hiện ĐTM.
Dự thảo Nghị định cũng bổ sung mức tối thiểu của quy mô khai thác nước ngầm và nước mặt phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải thực hiện ĐTM (đề xuất từ 100 m3/ngày trở lên đối với nước ngầm và từ 5.000 m3/ngày đêm trở lên đối với nước mặt mới phải thực hiện ĐTM, thay cho việc dẫn chiếu áp dụng quy định của Luật Tài nguyên nước là từ 10 m3/ngày đối với nước ngầm và từ 100 m3/ngày đối với nước mặt trở lên như hiện nay).
Sửa đổi, bổ sung Điều 3: Bổ sung giải thích từ ngữ về đối tượng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải cấp GPMT (không bao gồm dịch vụ hành chính công), qua đó sẽ giảm đối tượng cấp GPMT là trụ sở các cơ quan.
Sửa đổi, bổ sung Điều 30; số thứ tự 12 Phụ lục III và số thứ tự 11 Phụ lục IV: Rà soát, sửa đổi để đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền về UBND cấp tỉnh và cấp huyện. Sửa đổi quy định về các trường hợp cơ sở đang hoạt động phải thực hiện ĐTM, cấp lại, điều chỉnh GPMT theo hướng: tăng từ 30% quy mô, công suất trở lên mới phải thực hiện ĐTM; tăng từ 5 đến dưới 30% phải cấp lại GPMT (không phải ĐTM); tăng dưới 5% chỉ phải điều chỉnh GPMT.
Đẩy mạnh phân quyền cho các địa phương trong thẩm định báo cáo ĐTM, cấp GPMT đối với một số loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ
Nhằm đẩy mạnh phân quyền cho địa phương giải quyết TTHC, dự thảo Nghị định sửa đổi đã đẩy mạnh phân quyền cho các địa phương trong thẩm định báo cáo ĐTM, cấp GPMT đối với một số loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thông qua việc sửa đổi một số tiêu chí về quy mô, công suất các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ như: chăn nuôi gia súc, gia cầm; giết mổ 10 gia súc, gia cầm; sản xuất linh kiện, thiết bị điện, điện tử và một số loại hình khác.
Cụ thể, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Phụ lục II: Đối với loại hình sản xuất linh kiện, thiết bị điện, điện tử. Theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, dự án thuộc loại hình này có mức công suất lớn là từ 1 triệu linh kiện, thiết bị/năm hoặc từ 1.000 tấn sản phẩm/năm trở lên sẽ thuộc nhóm I và do Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định báo cáo ĐTM. Tiếp thu ý kiến của các địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất nâng mức công suất lớn nêu trên gấp 07 lần quy định hiện hành (tiếp thu ý kiến của địa phương đề xuất mức công suất cao nhất); đồng thời bổ sung thêm mức công suất nhỏ của loại hình này để tăng cường phân cấp cho cấp huyện cấp GPMT (hiện Nghị định số 08/2022/NĐ-CP không quy định mức này).
Đối với loại hình chăn nuôi gia súc, gia cầm: Theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, dự án thuộc loại hình này có mức công suất lớn là từ 1.000 đơn vị vật nuôi/năm trở lên (mức công suất này cao hơn 03 lần quy định về chăn nuôi trang trại quy mô lớn theo pháp luật về chăn nuôi) sẽ thuộc nhóm I và do Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định báo cáo ĐTM. Tiếp thu ý kiến của các địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất nâng mức công suất lớn nêu trên gấp 03 lần quy định hiện hành (đa số địa phương được lấy ý kiến đồng ý với phương án này); đồng thời cũng nâng mức công suất nhỏ lên tương ứng để tăng cường phân cấp cho UBND cấp huyện cấp GPMT. Phương án sửa đổi nêu trên sẽ giúp phân cấp cho UBND cấp tỉnh thẩm định báo cáo ĐTM, cấp GPMT đối với đa số đối tượng thuộc loại hình này.
Sửa đổi, bổ sung Phụ lục III: Đối với dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên: Theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, dự án thuộc loại hình này có quy mô chuyển đổi từ 10 ha trở lên sẽ thuộc nhóm I và do Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định báo cáo ĐTM (quy định này được dẫn theo thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo pháp luật về đất đai). Liên quan đến nhóm đối tượng này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất sửa đổi theo hướng nâng mức quy mô chuyển đổi lên gấp 5 lần mức hiện hành (từ 50ha trở lên mới thuộc nhóm I). Phương án sửa đổi nêu trên sẽ giúp phân cấp cho UBND cấp tỉnh thẩm định báo cáo ĐTM cho đa số đối tượng có yếu tố nhạy cả về môi trường này.
Đối với dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất, đất có mặt nước của rừng tự nhiên: Theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất, đất có mặt nước từ 03 ha trở lên đối với rừng tự nhiên sẽ thuộc nhóm I và do Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định báo cáo ĐTM.
Liên quan đến nhóm đối tượng này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất sửa đổi theo hướng nâng mức quy mô chuyển đổi lên hơn 3 lần quy định hiện hành (từ 10 ha trở lên mới thuộc nhóm I). Phương án sửa đổi nêu trên sẽ giúp phân cấp cho UBND cấp tỉnh thẩm định báo cáo ĐTM cho nhiều đối tượng có yếu tố nhạy cảm này.
Sửa đổi, bổ sung Phụ lục IV: Đối với dự án thủy điện. Theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, dự án thủy điện thuộc thẩm quyền cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thuộc nhóm I và do Bộ thẩm định báo cáo ĐTM. Mặc dù Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đã có quy định loại trừ đối với dự án thủy điện có công suất dưới 20MW sẽ không áp dụng thẩm quyền nêu trên để phân loại dự án đầu tư mà áp dụng các tiêu chí về môi trường khác để phân loại dự án. Tuy nhiên, để thể hiện rõ tinh thần phân cấp thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM của các dự án thủy điện cho địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất bổ sung nội dung tại Phụ lục IV để quy định đối tượng này sẽ được phân loại vào nhóm II và thuộc thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM của UBND cấp tỉnh.
Tạo thuận lợi hơn khi triển khai thực hiện
Dự thảo Nghị định cũng sửa đổi bổ sung các quy định nhằm tạo thuận lợi hơn khi triển khai thực hiện, khắc phục một số lỗi kỹ thuật trong Nghị định 08 như: Quy định về BVMT di sản thiên nhiên; Quy định về yếu tố nhạy cảm về môi trường; Quy định về tham vấn trong ĐTM; Quy định về GPMT, đăng ký môi trường; Quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đô thị, nông thôn và một số lĩnh vực; Quy định về quản lý chất thải; Quy định về EPR; Quy định về quan trắc môi trường; Một số quy định liên quan đến phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường; nguồn lực bảo vệ môi trường; quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra…
Quy định về BVMT di sản thiên nhiên: Bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với việc hướng dẫn xây dựng quy chế quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên tại điểm a khoản 6 Điều 21.
Quy định về yếu tố nhạy cảm về môi trường: Sửa đổi, bổ sung Điều 25, trong đó quy định rõ tên đơn vị hành chính là khu dân cư tập trung và bổ sung quy định không áp dụng yếu tố nhạy cảm về môi trường là tiêu chí nội thành, nội thị đối với trường hợp dự án thứ cấp đầu tư vào K-CCN mà không phát sinh bụi, khí thải phải xử lý; đồng thời quy định cụ thể chỉ trường hợp dự án xả nước thải vào nguồn nước mặt phục vụ mục đích cấp nước sinh hoạt không qua đấu nối với hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu vực mới là các yếu tố nhạy cảm về môi trường.
Quy định về tham vấn trong ĐTM: Sửa đổi, bổ sung Điều 26, trong đó quy định rõ hơn về nội dung tham vấn và việc tham vấn cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp của dự án thông qua bổ sung trách nhiệm gửi Phiếu tham vấn đến các đối tượng không tham gia buổi họp tham vấn trực tiếp (thông qua đại diện hộ gia đình), qua đó sẽ đảm bảo tất cả các đối tượng chịu tác động trực tiếp của dự án đầu tư đều được tham vấn ý kiến trong quá trình thực hiện ĐTM; bổ sung quy định về nội dung tham vấn trong ĐTM để bảo đảm dễ hiểu, dễ tiếp cận thông tin cho người dân khi được tham vấn; đồng thời bổ sung quy định về thời hạn cơ quan thẩm định gửi kết quả tham vấn cho chủ dự án đối với việc tham vấn đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan thẩm định và thời hạn tổ chức tham vấn của UBND cấp xã để thuận lợi hơn cho chủ dự án trong triển khai thực hiện.
Bổ sung Phụ lục VIa – Mẫu nội dung tham vấn trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường và Phụ lục VIb- Mẫu phiếu lấy ý kiến tham vấn của chủ dự án gửi tới các cá nhân chịu tác động trực tiếp bởi dự án mà không tham dự họp lấy ý kiến để quy định cụ thể nội dung tham vấn theo quy định tại Điều 26 của Nghị định 08/2022/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung.
Quy định về các trường hợp dự án đầu tư đã được phê duyệt ĐTM nhưng chưa đi vào vận hành, cơ sở, K-CCN đang hoạt động có điều chỉnh, thay đổi thuộc đối tượng phải thực hiện ĐTM
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Điều 27, trong đó xác định rõ các trường hợp tăng quy mô, tăng công suất, thay đổi công nghệ theo từng giai đoạn của dự án; từ đó gắn việc thay đổi này với các yếu tố cụ thể làm gia tăng tác động xấu đến môi trường có liên quan đến chất thải (nước thải, bụi, khí thải) hoặc các yếu tố phi chất thải (đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, tiếng ồn, độ rung, sạt lở, sụt lún), thay vì dẫn chiếu theo pháp luật về đầu tư như hiện nay. Việc điều chỉnh này cũng sẽ đảm bảo không bỏ lọt một số trường hợp dự án không thuộc đối tượng phải cấp GPMT nhưng có điều chỉnh về công nghệ trong quá trình thực hiện dự án (như dự án nạo vét, nhận chìm,…) và đồng bộ với các quy định có liên quan (quy định của pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; quy định về cải tạo, phục hồi môi trường; quy định của pháp luật về tài nguyên nước).
Sửa đổi, bổ sung số thứ tự 12 Phụ lục III và số thứ tự 11 Phụ lục IV, trong đó dẫn chiếu một số trường hợp quy định tại Điều 27 để đảm bảo thuận lợi trong áp dụng và đồng bộ, thống nhất trong các công cụ quản lý về ĐTM, GPMT theo tiến trình thực hiện dự án đầu tư.
Quy định về GPMT, đăng ký môi trường:
Sửa đổi, bổ sung Điều 28, 29, 31, 32: Sửa đổi quy định về báo cáo đề xuất cấp GPMT cho 03 đối tượng thay vì 05 đối tượng như hiện nay (dự án nhóm III và cơ sở đang hoạt động có tiêu chí về môi trường tương đương với dự án nhóm III được lồng ghép chung với đối tượng khác);
Sửa đổi quy định cụ thể hơn về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp GPMT đối với dự án đầu tư mở rộng, các dự án đầu tư, cơ sở có cùng địa điểm, các dự án đầu tư sát nhập/chia tách; bổ sung quy định về việc quan trắc chất thải sau xử lý trước khi xả thải ra môi trường trong quá trình kiểm tra cấp GPMT đối với cơ sở; thay đổi phương thức thẩm định cấp GPMT theo hướng thành lập đoàn kiểm tra đối với đối tượng đã ĐTM nhưng có thay đổi so với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM, thành lập Hội đồng thẩm định đối với trường hợp còn lại; bổ sung thời hạn tối đa để chủ dự án đầu tư, cơ sở hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường và gửi cơ quan cấp phép (12 tháng kể từ ngày có văn bản yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung của cơ quan cấp giấy phép môi trường).
Sửa đổi một số nội dung về công trình xử lý chất thải không phải thực hiện vận hành thử nghiệm, thời gian vận hành thử nghiệm, kiểm tra vận hành thử nghiệm; Làm rõ hơn đối tượng miễn đăng ký môi trường theo quy định của Luật BVMT.
Sửa đổi các Phụ lục liên quan đến mẫu báo cáo đề xuất cấp, cấp lại GPMT (Phụ lục VIII, Phụ lục IX, Phụ lục X, Phụ lục XI, Phụ lục XII) để phù hợp với nội dung sửa đổi quy định về cấp, cấp lại GPMT; đồng thời sửa đổi mẫu báo cáo đề xuất cấp GPMT để chủ sở hữu hoặc tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, vận hành dự án, cơ sở đều có thể làm thủ tục xin cấp GPMT.
Sửa đổi mẫu báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của dự án quy định tại khoản 4 Điều 46 Luật Bảo vệ môi trường quy định tại Phụ lục XV.
Sửa đổi quy định tại số thứ tự 11Phụ lục XVI (Danh mục dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được miễn dăng ký môi trường) theo hướng tất cả các dự án, cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển, sông, suối, hồ chứa đều thuộc đối tượng được miễn đăng ký môi trường và bỏ quy định tại số thứ tự 12 Phụ lục XVI.
Quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đô thị, nông thôn và một số lĩnh vực: Sửa đổi các Điều 36, 37, 42, 45, 48, 49, 51, 52, cụ thể: Bổ sung quy định về việc tích hợp nội dung thay đổi vào đề án đóng cửa mỏ đối với cơ sở khai thác khoáng sản có thay đổi nội dung phương án cải tạo, phục hồi môi trường ở giai đoạn đóng cửa mỏ so với phương án đã được phê duyệt thì tích hợp nội dung thay đổi vào đề án đóng cửa mỏ; bổ sung quy định
về việc khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình không phải lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường;
Bổ sung quy định về việc điều chỉnh phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã ký quỹ nhưng giải thể hoặc phá sản và chưa thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường theo phương án đã được phê duyệt; Bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc thông báo các thay đổi theo yêu cầu của Công ước Stockholm để thực hiện; sửa đổi, bổ sung Phụ lục XVII (Danh mục các chất POP và nội dung đăng ký miễn trừ theo quy định của Công ước Stockholm); Bổ sung quy định cụ thể về lộ trình hạn chế phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; Đính chính lỗi kỹ thuật tại điểm h khoản 4 Điều 48; Bổ sung, sửa đổi quy định liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bảo vệ môi trường khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án, cơ sở đã được miễn trừ đấu nối nước thải trước đây; Sửa đổi một số từ ngữ tại khoản 2 và khoản 4 Điều 51 cho thống nhất với Luật Thủy sản và khoản 1 Điều 51 (thức ăn thủy sản, nước tưới cho cây trồng); Sửa đổi quy định về việc Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định về khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư như trường hợp một số ngành (nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương) đang có quy định.
Quy định về quản lý chất thải: Sửa đổi Điều 57, 58, 65, 69, 71 và 74, trong đó bổ sung quy định về yêu cầu đối với hệ thống xử lý nươc thải của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; sửa đổi quy định liên quan đến khối lượng chất thải rắn sinh hoạt của cơ quan, tổ chức, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, CCN được lựa chọn hình thức quản lý chất thải rắn sinh hoạt như hộ gia đình, cá nhân (giảm từ dưới 300 kg/ngày xuống dưới 50 kg/ngày); thu gom, lưu giữ, vận chuyển chất thải nguy hại bằng phương tiện vận tải công cộng; yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với một số hoạt động chuyển giao chất thải đặc thù; bổ sung quy định chỉ các dự án có phát sinh chất thải nguy hại thường xuyên với tổng khối lượng từ 1.200 kg/năm trở lên hoặc từ 100 kg/tháng trở lên mới phải lập hồ sơ đề nghị cấp GPMT; sửa đổi quy định về trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc quy định hướng dẫn về tái sử dụng nước thải và chỉnh sửa từ ngữ, đính chính lỗi kỹ thuật.
Quy định về EPR: Sửa đổi, bổ sung Điều 77, 78, 79, 80, 81, 82, 83, 84, 85, 88. Các nội dung chính được sửa đổi, bổ sung gồm: Sửa đổi quy định đối với đối tượng thực hiện trách nhiệm tái chế; làm rõ việc xác định tỷ lệ tái chế bắt buộc là theo khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất, nhập khẩu được đưa ra thị trường; Đơn giản hóa quy định về quy cách tái chế để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà sản xuất, nhập khẩu và đơn vị tái chế trong việc thực hiện tái chế; Sửa đổi quy định để làm rõ quyền của nhà sản xuất, nhập khẩu trong việc thực hiện tái chế, tránh gây phức tạp trong quá trình thực hiện và báo cáo kết quả tái chế; Quy định rõ và chặt chẽ hơn yêu cầu đối với bên được ủy quyền tổ chức tái chế để đảm bảo hiệu quả tái chế; Quy định rõ hơn trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu trong việc đăng ký, báo cáo kết quả tái chế; quy định rõ hơn quyền của nhà sản xuất, nhập khẩu trong việc không phải đăng ký, thực hiện kế hoạch tái chế và báo cáo kết quả tái chế với sản phẩm, bao bì cụ thể đã lựa chọn đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam; làm rõ, đảm bảo quyền lợi của nhà sản xuất, nhập khẩu được hạch toán chi phí thực hiện tái chế vào chi phí được tư khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp; làm rõ thêm trách nhiệm của các đơn vị tái chế, qua đó đảm bảo tính minh bạch, làm rõ trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện trách nhiệm tái chế.
Sửa đổi để làm rõ hơn các quy định liên quan đến đóng góp tài chính vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam; Quy định rõ việc Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố công khai tiêu chí, ưu tiên hỗ trợ tài chính cho hoạt động, sản phẩm tái chế của năm tiếp theo theo đề xuất của Hội đồng EPR quốc gia; làm rõ sự phù hợp về vai trò của Bộ Tài chính về hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính với các quỹ;
Quy định rõ hơn cơ cấu tổ chức, hoạt động của Hội đồng EPR quốc gia và Văn phòng giúp việc theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với một số mô hình tương tự đang được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Sửa đổi Phụ lục XXII (Danh mục sản phẩm, bao bì phải được tái chế kèm theo tỷ lệ tái chế và quy cách tái chế bắt buộc) và Phụ lục XXIII (Danh mục sản phẩm, bao bì và mức đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải): Sửa đổi quy định đối với một số loại sản phẩm, bao bì để tạo thuận lợi cho nhà sản xuất, nhập khẩu và đơn vị tái chế trong quá trình thực hiện tái chế. Sửa đổi theo hướng lược bỏ một số sản phẩm, bao bì ra khỏi danh mục để tránh trùng lặp về trách nhiệm; sửa đổi quy định đối với một số loại sản phẩm, bao bì để giảm gánh nặng cho nhà sản xuất, nhập khẩu.
Quy định về quan trắc môi trường: Sửa đổi, bổ sung Điều 91, 97 và 98. Các nội dung chính được sửa đổi, bổ sung: Sửa đổi quy định về điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; đính chính lỗi kỹ thuật; Sửa đổi quy định về quan trắc môi trường: Sửa đổi ngưỡng quy định đối với mức lưu lượng xả nước thải trung bình của dự án, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (từ 100 m3 đến dưới 500 m3/ngày đêm) và dự án, cơ sở không có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (từ 200 m3 đến dưới 1.000 m3/ngày đêm); đề xuất bỏ quy định quan trắc 1 lần/năm đối với các thông số phôt pho hữu cơ, PCBs, Halogen hữu cơ dễ bị hấp thụ.
Sửa đổi tên Phụ lục XXVIII thành Dự án, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp xả nước thải ra môi trường phải thực hiện quan trắc tự động, liên tục, quan trắc định kỳ. Các nội dung khác sửa đổi, bổ sung: Bổ sung ngưỡng quy định đối với đối tượng chỉ phát sinh nước thải sinh hoạt phải thực hiện quan trắc nước thải tự động, liên tục (từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên); Điều chỉnh giảm ngưỡng quy định đối với đối tượng quan trắc nước thải định kỳ: Đối với cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, từ 100 m3 đến dưới 16 500 m3/ngày đêm; đối với cơ sở không có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, từ 200 m3 đến dưới 1.000 m3/ngày đêm.
Sửa đổi Phụ lục XXIX (Dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xả bụi, khí thải công nghiệp ra môi trường phải thực hiện quan trắc tự động, liên tục, quan trắc định kỳ): Sửa đối tượng quy định tại dòng thứ 4 cột 4 Phụ lục XXIX theo hướng quy định lò đốt CTNH trên 1.000 kg/h là phải lắp quan trắc tự động (thay vì là 2.000 kg/h như quy định hiện hành);
Điều chỉnh giảm ngưỡng quy định đối với đối tượng quan trắc khí thải định kỳ: Đối với cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (từ STT 1 đến STT 8), từ 10.000 m3/giờ đến dưới 100.000 m3/giờ; đối với cơ sở khác (STT 8 và 9), từ 20.000 m3/giờ trở lên;
Sửa đổi quy định đối với công trình, thiết bị xả bụi, khí thải (các ống khói, ống thải bụi, khí thải công nghiệp khác) của dự án, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để thống nhất với quy định đối với dự án, cơ sở không thuộc loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; đính chính lỗi kỹ thuật.
Một số quy định liên quan đến phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường; nguồn lực bảo vệ môi trường; quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra: Sửa đổi từ ngữ tại khoản 5 Điều 111 để đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về thú ý (dịch bệnh động vật); Bổ sung khoản 3, 4 Điều 134 quy định về các tiêu chí đối với sản phẩm được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải và máy móc, thiết bị, phương tiện, dụng cụ, vật tư chuyên dùng thuộc danh mục hoạt động bảo vệ môi trường được ưu đãi, hỗ trợ được miễn thuế nhập khẩu.
Sửa đổi, bổ sung Điều 151 và 152, trong đó bổ sung trách nhiệm bảo vệ môi trường của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương trong việc xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; bổ sung một số hoạt động quản lý nhà nước khác về bảo vệ môi trường thuộc nhiệm vụ của trung ương và địa phương theo quy định của pháp luật.
Bãi bỏ quy định tại khoản 2 Điều 162 về hoạt động thanh tra thường xuyên về bảo vệ môi trường.
Sửa đổi quy định tại khoản 5 Điều 163 về kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó bổ sung quy định về thời hạn kiểm tra tính theo “ngày làm việc”; bổ sung quy định thời hạn một cuộc kiểm tra với nhiều tổ chức và việc gia hạn thời hạn một cuộc kiểm tra; bổ sung quy định về việc thành viên đoàn kiểm tra, công chức, viên chức có liên quan không được thông báo, cung cấp thông tin cho đối tượng kiểm tra đối với trường hợp kiểm tra đột xuất không báo trước.
Về Quy định chuyển tiếp: dự thảo Nghị định sửa đổi quy định tại khoản 12 Điều 168 theo hướng không áp dụng cho trường hợp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước hoặc giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi hết thời hạn nhưng có giấy phép môi trường thành phần khác vẫn còn thời hạn; sửa đổi, bổ sung quy định để xác định rõ cơ quan có thẩm quyền cấp GPMT đối với cơ sở đang hoạt động có tiêu chí về môi trường tương đương với đối tượng phải cấp GPMT và phải lập báo cáo ĐTM nhưng không có một trong các hồ sơ này; cơ quan có thẩm quyền cấp GPMT đối với cơ sở nằm trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên được cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh trở lên phê duyệt đề án bảo vệ môi trường; bổ sung quy định chuyển tiếp đối với các dự án đầu tư đã triển khai xây dựng nhưng chưa đi vào vận hành hoặc các cơ sở đang hoạt động mà chưa có xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc các hồ sơ về môi trường tương đương theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2014.
Dự thảo cũng làm rõ hơn một số nội dung có liên quan đến giải thích thuật ngữ tại Điều 3 để thuận lợi hơn trong quá trình triển khai thực hiện các quy định (nguồn phát sinh bụi, khí thải, nước thải; bụi, khí thải, nước thải phải xử lý; dòng nước thải, khí thải; nguồn tiếp nhận nước thải; dự án có sử dụng đất, đất có mặt nước; dự án khai thác khoáng sản (loại trừ, không áp dụng tiêu chí là dự án khai thác khoáng sản cho các dự án đầu tư xây dựng công trình có hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại khu vực thực hiện dự án và dự án nạo vét có hoạt động khai thác khoáng sản); báo cáo ĐTM đã được phê duyệt kết quả thẩm định).
Sửa đổi các lỗi kỹ thuật dẫn chiếu, soạn thảo văn bản tại điểm c khoản 6 Điều 4; khoản 3 Điều 15; điểm c khoản 2 Điều 49; khoản 4 Điều 71; điểm a khoản 4 Điều 91; điểm c khoản 5 Điều 98; điểm a, b khoản 15 Điều 168; Phụ lục VIII, Phụ lục X, Phụ lục XII, Phụ lục XXIX.
Bộ Tài nguyên và Môi trường rất mong nhận được ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và cá nhân để hoàn thiện dự thảo Nghị định.